cskh@atld.vn 0917267397
Quy trình Lock out - Tag out (tham khảo)

1.  MỤC ĐÍCH :

Đảm bảo an toàn khi làm việc với các nguồn năng lượng trong nhà máy.

Ngăn chặn sự phóng thích đột ngột của các nguồn năng lượng bằng cách cô lập chúng.

2. PHẠM VI ÁP DỤNG :

2.1 Phạm vi áp dụng: Qui trình này áp dụng cho việc cô lập các dạng năng lượng sau:

  • Cô lập về cơ khí.
  • Cô lập về điện của máy móc, thiết bị.
  • Cô lập các cơ cấu của máy móc, thiết bị.
  • Cô lập các nguồn năng lượng liên quan khác.

Qui định này không áp dụng đối với:

  • Mạng lưới đường ống dầu, khí, điện
  • Hệ thống máy phát điện, truyền tải điện.

2.2 Trách nhiệm áp dụng

2.2.1 Qui định chung

Tất cả nhân viên, nhà thầu,…làm việc tại công ty khi đặt bất kì một phần cơ thể đặt vào vùng nguy hiểm của máy móc, thiết bị khi thực hiện các hoạt động kiểm tra, vệ sinh, thay thế, hay bảo dưỡng.

Đối với nhân viên bảo trì điện trường hợp không thực hiện được việc khóa LOTO khi làm việc với tủ điện thì phải tuân thủ qui định trong tiêu chuẩn số 13 về An toàn điện. Cụ thể như sau:

- Không được đấu nối, tháo ngắt trực tiếp thiết bị có điện áp trên 110V.

- Thực hiện đánh giá rủi ro và giấy phép 60s khi làm việc gần thiết bị đang có điện. Trường hợp mức độ rủi ro cao (trên 80 điểm) thì cần phải có giấy phép làm việc với điện.

- Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp như găng tay cách điện, mũ, áo chống cháy, phỏng do hồ quang…

2.2.2 Giám đốc nhà máy

- Đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả.

- Cung cấp đầy đủ các trang bị thiết bị phục vụ cho việc cô lập năng lượng.

- Bổ nhiệm và phê duyệt những cá nhân kiểm soát hoạt động của hệ thống như người chịu trách nhiệm kiểm soát hệ thống, người được phép áp dụng qui trình.

- Định kì 6 tháng/lần xem xét sự hoàn thiện của hệ thống.

2.2.3 Trưởng bộ phận

- Cung cấp các hướng dẫn, qui trình làm việc an toàn cho nhân viên, đảm bảo qui trình đã nhận dạng và đánh giá đây đủ các mối nguy hiểm có thể xảy ra.  

2.2.4 Người chịu trách nhiệm

- Xác định các nguồn năng lượng nguy hiểm của máy móc thiết bị.

- Đảm bảo việc thiết kế các máy móc thiết bị mới có xem xét đến cơ cấu phục vụ cho việc khóa LOTO.

- Soạn thảo các hướng dẫn cô lập năng lượng cho từng thiết bị.

- Hướng dẫn nhân viên, nhà thầu qui trình cô lập năng lượng và các qui định liên quan. Cập nhật danh sách nhân viên đã được huấn luyện vào hồ sơ theo dõi PL-PRO-513/Ap 01.

- Kiểm soát việc tuân thủ qui trình của nhân viên, nhà thầu thông qua hệ thống giấy phép làm việc.

 2.2.5 Người được phép thực hiện

- Đảm bảo đã hiểu rõ cách thức và số lượng các nguồn năng lượng cần cô lập trước khi thực hiện công việc.

- Tuân thủ các bước của qui trình khóa LOTO.

- Xin giấy phép làm việc (Giấy phép cô lập năng lượng) nếu công việc bắt buộc phải khóa trên 3 nguồn năng lượng hoặc giấy phép 60s suy nghĩ về an toàn (nếu cần khóa dưới 4 nguồn năng lượng). Trừ những công việc đã được cho phép thực hiện không cần phải xin giấy phép.

- Riêng trường hợp làm việc với thiết bị có nguồn năng lượng điện như tủ điện,…phải có xác nhận của bảo trì điện trước khi giấy phép làm việc được ban hành.

2.2.6 Nhân viên an toàn

- Cập nhật danh sách nhân viên đã được huấn luyện vào hồ sơ theo dõi PL-PRO-513/Ap 01.

3. TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Chính sách an toàn và sức khỏe của công ty

4. ĐỊNH NGHĨA

  • Nguồn năng lượng: Bao gồm nguồn điện, cơ khí, thủy lực, trọng lực, nước, khí, hóa chất, nhiệt và các nguồn năng lượng khác tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.
  • Thiết bị khóa: Là thiết bị có tác dụng khóa các nguồn năng lượng như ổ khóa, van khóa nhằm ngăn không cho người khác vô tình khởi động chúng hoạt động, hay phát sinh một cách đột ngột. Xem chi tiết tại phần phụ lục PL-PRO-513/Ap 03 Danh sách các phương tiện khóa LOTO.
  • Thẻ Cảnh báo: Là thiết bị như như thẻ cảnh báo khi một thiết bị đang được khóa hay cắt nguồn năng lượng. Không ai được sử dụng nguồn năng lượng đó đến khi thẻ đó được tháo bỏ.
  • Cô lập năng lượng: là một hành động nhằm đảm rằng khả năng các nguồn năng lượng không phát sinh hay kết nối lại là không thể.
  • Giấy phép làm việc: Văn bản cho phép một hay một nhóm người thực hiện một công việc nào đó sau khi các rủi ro có thể dẫn đến tai nạn đã được kiểm soát một cách thích hợp.
  • Người được phép thực hiện: nhân viên, nhà thầu đã được đào tạo về qui trình này và các qui định liên quan khác để thực hiện các công việc với máy móc thiết bị.
  • Người chịu trách nhiệm: Những cá nhân có kiến thức và kinh nghiệm về hệ thống máy móc thiết bị và đã được đào tạo về qui trình này và các qui định an toàn liên quan khác. Danh sách người chịu trách nhiệm theo phụ lục PL-PRO-513/Ap 02 Danh sách nhân viên được phép khóa LOTO.

5. QUI ĐỊNH KHI THỰC HIỆN KHÓA LOTO

5.1 Qui định chung

Khóa tất cả nguồn năng lượng có liên quan.

- Ai khóa người đó giữ chìa khóa và phải tự tháo khóa sau khi kết thúc công việc.

-  Không được làm thêm chìa khóa cho ổ khóa, mỗi ổ khóa chỉ được phép có 1 chìa duy nhất. Trường hợp mất phải báo cho Giám sát để đề xuất cấp khóa mới. Một khóa - một chìa - một người.

-  Ghi đầy đủ thông tin vào thẻ treo.

-  KHÔNG được điều chỉnh hay cố gắng khởi động lại thiết bị khi có người đang làm việc trong thiết bị.

-  Đền bù nếu làm mất khóa. Trả lại cho Giám sát nếu nghỉ việc.

- Phải có giấy phép Khóa LOTO được cấp bởi Trưởng bộ phận hoặc Nhân viên An toàn trong trường hợp khóa từ 4 nguồn năng lượng trở lên.

5.2 Chuyển tiếp công việc (hết ca,…)

 - Bàn giao chi tiết về tình trạng khóa của các nguồn năng lượng cho người vào nhận ca, người nhận ca có trách nhiệm sử dụng khóa của mình để khóa các nguồn năng lượng liên quan trước khi người bàn giao tháo khóa.

5.3 Qui định Cắt/Bẻ khóa

 - Nghiêm cấm tự ý cắt/bẻ khóa trừ khi có sự chấp thuận của Giám đốc nhà máy bằng văn bản theo biểu mẫu số PL-PRO-513/F02.

5.4. Quy định LOTO đối với nhà thầu.

- Tất cả công việc nhà thầu liên quan đến việc khóa LOTO điều phải có giấy phép làm việc  theo qui định về giấy phép làm việc.

- Nhân viên được ủy quyền giám sát nhà thầu phải thực hiện khóa LOTO trước tiên và cũng là người mở khóa LOTO sau cùng.

5.5 Quy định đối với nhân viên sản xuất

- Được phép thực hiện một số công việc như kiểm tra, điều chỉnh máy móc trong quá trình vận hành bình thường sau khi đã được huấn luyện đầy đủ các qui trình làm việc an toàn.

- Các trường hợp khác phải thực hiện đầy đủ theo qui trình khóa LOTO.

5.6 Quy định các công việc không thể tuân thủ LOTO

 - Bất cứ một sự cô lập nào mà không thể thực hiện đầy đủ theo thủ tục LO/TO đều phải thực hiện thủ tục Giấy phép làm việc (Giấy phép làm việc gần thiết bị đang có điện hoặc thiết bị đang có điện) với một sự hướng dẫn rõ rằng bằng văn bản và được truyền đạt đầy đủ. Ví dụ: Làm việc tại các tủ, thiết bị điện đang có điện.

6. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN KHÓA LOTO

6.1 Thông báo cho người liên quan

- Thông báo bằng loa, trao đổi trực tiếp,…cho những người có thể bị ảnh hưởng (nhân viên vận hành,các nhân viên đang làm việc với thiết bị đó,…) do việc tắt, cô lập, LOTO thiết bị.

6.2 Xác định nguồn năng lượng cần LOTO

- Xác định thông tin tất cả nguồn năng lượng liên quan đến thiết bị cần làm việc, kể cả các nguồn năng lượng tiềm ẩn. Bao gồm: vị trí, chủng loại, số lượng điểm cần cô lập. Tham khảo Danh mục các nguồn năng lượng của các thiết bị có nhiều nguồn năng lượng theo phụ lục PL-PRO-512-Ap04 – Danh sách các thiết bị máy móc có nhiều nguồn năng lượng liên quan.

* Lưu ý: Nếu công việc thực hiện chưa có qui trình/hướng dẫn công việc thì phải có Giấy phép làm việc.

- Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ khóa LOTO cần thiết (Xem thêm các OPL Hướng dẫn sử dụng các loại khóa LOTO).

6.3 Tắt thiết bị

- Tắt thiết bị theo đúng trình tự thông thường của thiết bị (đưa công tắt, valve… về vị trí OFF/CLOSE/ĐÓNG). Cần khởi động lại để chắc chắn đã xác định đúng nút điều khiển và sau đó tắt lại thiết bị.

- Lưu ý: Một số thiết bị điện cao áp, hay van áp suất cao…có thể gây nguy hiểm khi ngắt. Vì vậy cần hết sức lưu ý và phải được chỉ định mới được phép thực hiện.

6.4 Cô lập nguồn năng lượng của thiết bị .   

- Căn cứ theo kết quả xác định các nguồn năng lượng nguy hiểm của thiết bị.

- Đối với thiết bị mang điện: Không đứng đối diện với công tắc để đề phòng nguy cơ phóng hồ quang điện. Trường hợp khóa điện Cao thế yêu cầu phải sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dụng: mũ trùm đầu chống hồ quang, áo chống cháy.

 - Đối với nguồn năng lượng cơ năng như: nguy cơ quay, treo lơ lửng, sụp, rơi rớt… cần phải đưa ra biện pháp cô lập thích hợp thông qua GPLV.

6.5 Khóa LOTO và treo thẻ Cảnh báo

 - Sử dụng khóa và thẻ của mình để khóa và treo tại tất cả vị trí khóa LOTO. Đối với dạng năng lượng là Điện năng thì phải khóa LOTO vào CB/nguồn động lực. KHÔNG khóa vào công tắc, nguồn điều khiển.

 - Trường hợp sử dụng phương pháp khóa nhóm thì người trưởng nhóm khóa và treo thẻ tại các vị trí Khóa và cho chìa khóa vào hộp, đồng thời dùng 1 khóa khác khóa phía ngoài hộp như các thành viên còn lại.

 - Ghi đầy đủ thông tin lên thẻ Cảnh báo: họ tên, bộ phận, Số điện thoại, tên thiết bị đang khóa.

 - Điền đầy đủ thông tin vào Phiếu theo dõi thiết bị đang khóa LOTO (PL-PRO-513/F01) và treo tại khu vực tập trung qui định (áp dụng cho những ngày bảo trì nhà máy từ 4g trở lên).

6.6 Xả/Loại bỏ nguồn năng lượng thừa.

 - Đảm bảo rằng các nguồn năng lượng thừa, tiềm ẩn đã được phóng thích, kiểm soát. Ví dụ: xả điện thừa trong tụ điện bằng cách khởi động lại thiết bị, xả hết áp dòng khí, hơi nóng, nước, hóa chất trong đoạn ống đến áp suất bằng 0, khóa/cột chặt những phần có thể chuyển động hay đang treo lơ lửng.

6.7 Kiểm tra lại hiệu quả của việc Khóa

- Khởi động lại bằng tay đảm bảo thiết bị không hoạt động được trước khi bắt đầu làm việc với thiết bị. Hoặc kiểm tra để đảm bảo đồng hồ thiết bị năng lượng ( Điện thế, áp suất…đã về 0). Đối với một số thiết bị không thể khởi động lại được.

- Trả công tắc/Van điều khiển về trạng thái OFF/CLOSE sau khi thử khởi động lại thiết bị.

- Tất cả nhân viên thực hiện khóa LOTO cần thực hiện công cụ “60 giây suy nghĩ” để đảm bảo mình nắm rõ công việc và các mối nguy hiểm đã được kiểm soát hết.

6.8 Thực hiện công việc

- Tuyệt đối không khởi động thiết bị khi nó đang được LOTO và có người làm việc bên trong thiết bị. Trường hợp cần mở khóa để kiểm tra thì phải tuân thủ các bước của qui trình này.

6.9 Tháo khóa và phục hồi thiết bị.

- Kiểm tra để chắc rằng không còn ai trong vùng nguy hiểm, những thiết bị, dụng cụ làm việc phải được lấy ra ngoài trước khi khởi động lại.

-  Trả thiết bị về lại trạng thái lúc đầu: Bao gồm thành phần, cơ cấu của máy móc/thiết bị và cả thiết bị an toàn như hệ thống khóa liên hợp (interlock) và bao che phải được lắp lại đầy đủ đúng ban đầu.

- Tháo khóa và thẻ cảnh báo.  Lưu ý: Ai khóa người đó mở khóa. Nghiêm cấm giao chìa khóa cho người khác mở.

- Thông báo cho những người có ảnh hưởng trước khi khởi động lại sau khi xong việc.

7. LƯU TRỮ VÀ XEM XÉT

- Giấy phép Khóa LOTO được lưu bởi Người cấp phép trong vòng 2 năm.

- Nhân viên quản lý hệ thống LOTO (theo chỉ định của Giám đốc nhà máy) có trách nhiệm kiểm tra và cập nhật định kỳ để phù hợp với thực tế.

- Các biên bản về cắt khóa và đề nghị cấp khóa mới được lưu bởi Nhân viên An toàn trong vòng 2 năm

8. BIỂU MẪU ÁP DỤNG

  • Phiếu theo dõi thiết bị đang khóa LOTO - PL-PRO-513/F01.
  • Biên bản cắt khóa LOTO -  PL-PRO-513/F02
  • Giấy phép khóa LOTO - PL-PRO-522/F06
  • Danh sách nhân viên được thực hiện khóa LOTO: PL-PRO-513/Ap 01
  • Danh sách nhân viên chịu trách nhiệm quản lý hệ thống: PL-PRO-513/Ap 02
  • Danh sách các thiết bị khóa LOTO: PL-PRO-513/Ap 03
  • Danh sách các máy móc, thiết bị có nhiều nguồn năng lượng: PL-PRO-513/Ap04
Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết