BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2609/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM COVID-19 TRONG CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” thay thế “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” ban hành kèm theo Quyết định số 2355/QĐ-BYT ngày 30/8/2022 và “Hướng dẫn lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” ban hành kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-BYT ngày 05/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế Ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT
LÂY NHIỄM COVID-19 TRONG CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Ban hành theo Quyết định số 2609/QĐ-BYT ngày 20/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
1. Đại cương về SARS-CoV-2 và COVID-19
Vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút lớn gồm nhiều chủng khác nhau. Một số chủng gây bệnh khi xâm nhiễm từ động vật sang người, số khác chỉ xâm nhiễm và tồn tại ở các loài động vật bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Đôi khi vi rút Corona tiến hóa từ động vật để lây sang người để rồi sau đó lây từ người sang người như Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS). Chủng vi rút Corona được xác định năm 2019 (SARS-CoV-2) là chủng mới, chưa từng xuất hiện ở người. SARS-CoV-2 có khả năng lây từ người sang người và đã gây đại dịch đường hô hấp được gọi là dịch COVID-19.
Sau hơn 3 năm đại dịch COVID-19 hoành hành ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, ngày 5/5/2023 Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, cho phép chúng ta chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 như hầu hết các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác.
2. Đường lây truyền SARS-CoV-2
Các bằng chứng hiện tại cho thấy vi rút lây truyền qua 3 đường sau:
2.1. Lây truyền qua giọt bắn: Vi rút thường lây lan từ các tiểu phần dịch phát tán ra từ miệng hoặc mũi của người bị bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói, hát hoặc thở. Sau đó, một người khác có thể bị nhiễm vi rút khi các tiểu phần dịch ô nhiễm văng bắn trực tiếp tới mắt, mũi, hoặc miệng trong các tình huống có tiếp xúc ở khoảng cách gần.
2.2. Lây truyền qua tiếp xúc: Lây nhiễm có thể xảy ra khi tay ô nhiễm do tiếp xúc với các dịch tiết, bề mặt ô nhiễm vi rút sau đó động chạm vào các vị trí nhạy cảm (mắt, mũi, miệng).
2.3. Lây truyền qua không khí: Vi rút có thể lây lan từ các tiểu phần dịch hô hấp nhỏ (hạt khí dung) phát tán ra từ miệng hoặc mũi của người bị bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói, hát hoặc thở. Sau đó, một người khác có thể bị nhiễm vi rút khi hít phải hạt khí dung chứa SARS-CoV-2 khí ở khoảng cách gần. Vi rút cũng có thể lây lan ở những nơi thông khí kém hoặc ở nơi đông người, nơi có thực hiện các thủ thuật chăm sóc đường thở có tạo khí dung... do các giọt khí dung mang vi rút lơ lửng trong không khí và có thể phát tán trong phạm vi rộng hay còn gọi là lây truyền qua không khí trong phạm vi rộng.
3. Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
3.1. Tổ chức phát hiện sớm và cách ly kịp thời người mắc hoặc nghi mắc COVID-19.
- Người bệnh có dấu hiệu chỉ điểm mắc COVID-19 (ho, sốt) khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chỉ dẫn khám tại phòng khám truyền nhiễm; người bệnh cấp cứu được chỉ dẫn khám tại khu vực tiếp đón của khoa Cấp cứu.
- Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhanh COVID-19. Những trường hợp dương tính COVID-19 phải nhập viện được cách ly, điều trị tại khoa cấp cứu (nếu người bệnh ở trong tình trạng cấp cứu) hoặc được cách ly, điều trị theo chuyên khoa.
- Tại các khoa lâm sàng, nếu phát hiện người bệnh mắc COVID-19 thì chuyển người bệnh vào buồng cách ly của khoa để cách ly, điều trị.
- Buồng khám bệnh truyền nhiễm, hô hấp; khu vực tiếp đón (khoa Cấp cứu) và các buồng cách ly tại các khoa lâm sàng phải đảm bảo yêu cầu về thông khí và luôn có sẵn các điều kiện, phương tiện cách ly theo quy định.
- Nhân viên y tế trực tiếp thăm khám người mắc hoặc nghi mắc COVID-19 cần mang khẩu trang y tế và găng tay, tuân thủ nghiêm quy định vệ sinh tay.
3.2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa theo đường lây truyền.
Thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường không khí, đường tiếp xúc và đường giọt bắn tùy thuộc vào từng tình huống lâm sàng khi thăm khám, điều trị, chăm sóc người mắc hoặc nghi mắc COVID-19.
- Phòng ngừa chuẩn: Áp dụng ở mọi người bệnh. Lưu ý hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm che mũi miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp và loại bỏ khẩu trang, khăn/giấy đã sử dụng vào đúng nơi quy định.
- Phòng ngừa dựa theo đường lây truyền:
+ Phòng ngừa lây truyền qua đường không khí (Airborne Precautions): Áp dụng khi thực hiện các thủ thuật có tạo khí dung hoặc khi phẫu thuật ở người mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Nhân viên y tế cần mang khẩu trang N95.
- Phòng ngừa lây truyền qua đường giọt bắn (Droplet Precautions) và tiếp xúc (Contact Precautions): Áp dụng ở hầu hết các tình huống lâm sàng.
+ Người bệnh được sắp xếp vào buồng cách ly hoặc chung buồng với người bệnh COVID-19 khác.
+ Nhân viên y tế mang khẩu trang y tế và găng tay khi thăm khám, chăm sóc người bệnh COVID-19. Mang áo choàng giấy sử dụng một lần khi thực hiện các thủ thuật có nguy cơ văng bắn máu/dịch cơ thể. Tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh tay.
+ Người bệnh, người nhà người bệnh luôn mang khẩu trang y tế, đặc biệt là khi di chuyển ra ngoài khu vực cách ly.
3.3. Đảm bảo thông khí môi trường khu vực chăm sóc người bệnh.
- Các buồng cách ly cần đảm bảo thông khí áp lực âm. Nếu chưa có buồng thông khí áp lực âm, áp dụng thông khí tự nhiên kết hợp với thông khí cơ học. Đảm bảo tần suất trao đổi không khí ≥12 lần/giờ. Luồng khí thoát ra ngoài buồng cách ly cần hướng tới khu vực ít người qua lại.
- Tăng cường thông khí tự nhiên ở mọi khu vực chăm sóc người bệnh.
3.4. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.
- Tất cả nhân viên y tế khi thực hiện các hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh COVID-19 tuân thủ đúng các bước lựa chọn, sử dụng, tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo hiệu quả an toàn theo nguy cơ lây nhiễm.
- Khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh mang khẩu trang khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Không sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Không sử dụng lại phương tiện phòng hộ cá nhân dưới mọi hình thức.
- Loại bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đúng nơi quy định.
3.5. Tăng cường thực hành vệ sinh tay.
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tăng cường công tác vệ sinh tay theo “Hướng dẫn vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, ban hành theo Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 của Bộ Y tế.
- Cần lưu ý một số nội dung sau:
+ Trang bị đầy đủ phương tiện vệ sinh tay, đặc biệt là dung dịch sát khuẩn có chứa cồn ở mọi khu vực khám bệnh, buồng bệnh, nơi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.
+ Trang bị dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn ở các khu vực công cộng để người nhà người bệnh và khách thăm vệ sinh tay khi cần.
+ Tăng cường giám sát tuân thủ thực hành vệ sinh tay ở nhân viên y tế, người bệnh và khách thăm, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khu vực cách ly.
3.6. Vệ sinh khử khuẩn các môi trường bề mặt và phương tiện vận chuyển, chăm sóc người bệnh.
- Cần thực hiện vệ sinh khử khuẩn các môi trường bề mặt và phương tiện vận chuyển, chăm sóc người bệnh theo “Hướng dẫn vệ sinh môi trường bề mặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, ban hành theo Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 của Bộ Y tế.
- Cần lưu ý một số điểm sau:
+ Nhân viên thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn môi trường bề mặt (nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh công nghiệp) cần được đào tạo, tập huấn quy định, quy trình vệ sinh khử khuẩn môi trường khi làm việc tại cơ sở.
+ Cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, hóa chất, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân cho công tác vệ sinh khử khuẩn bề mặt môi trường, phương tiện vận chuyển và chăm sóc người bệnh.
+ Tăng cường giám sát chất lượng vệ sinh khử khuẩn các bề mặt thường xuyên có tiếp xúc bàn tay, các bề mặt khu vực cách ly người bệnh COVID-19.
3.7. Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở một số tình huống đặc biệt.
- Phẫu thuật người bệnh COVID-19:
+ Đảm bảo yêu cầu về thông khí buồng phẫu thuật.
+ Hạn chế nhân viên y tế vào buồng phẫu thuật.
+ Thành viên kíp phẫu thuật mang khẩu trang N95 và áo choàng vô khuẩn chống thấm máu dịch.
- Bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao (người bệnh suy giảm miễn dịch, lọc máu chu kỳ, ung thư...):
+ Sắp xếp người bệnh theo khu vực riêng tùy điều kiện thực tế. Nhắc nhở, hạn chế người bệnh đi lại, tiếp xúc trong quá trình điều trị.
+ Hướng dẫn, nhắc nhở người bệnh, người chăm sóc người bệnh và khách thăm thực hiện vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp khi ho, vệ sinh phương tiện cá nhân và mang khẩu trang y tế.
+ Tư vấn người bệnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo lịch tiêm chủng và các hướng dẫn hiện hành về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế.
+ Cảnh giác, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi mắc COVID-19, thực hiện chẩn đoán và điều trị COVID-19 kịp thời.
+ Nhân viên y tế tuân thủ nghiêm thực hành “phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây truyền” khi chăm sóc người bệnh COVID-19.
3.8. Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
+ Nhân viên y tế cần được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn hiện hành về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế.
3.9. Tăng cường đào tạo và giám sát tuân thủ các thực hành phòng ngừa ở nhân viên y tế.
- Hằng năm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tổ chức đào tạo lại cho nhân viên y tế (bao gồm cả nhân viên mới và sinh viên thực tập) về các thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, chú trọng các thực hành phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm gây dịch.
- Hằng tháng, thực hiện kiểm tra giám sát tuân thủ các thực hành phòng ngừa lây nhiễm ở nhân viên y tế và kịp thời khắc phục những điểm tồn tại sau giám sát.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:
- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch COVID-19 đã ban hành, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại khi phát hiện các nguy cơ không an toàn trong công tác phòng chống dịch.
- Bố trí đầy đủ kinh phí, trang bị đủ cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện cần thiết phục vụ công tác phòng lây nhiễm.
4.2. Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn:
- Đầu mối cập nhật các quy định, quy trình, hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Phối hợp với các phòng, khoa, bộ phận liên quan tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, truyền thông cho người bệnh về phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 và các bệnh dịch truyền nhiễm khác trong bệnh viện và cộng đồng.
- Tổ chức các hoạt động phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Đầu mối tổ chức giám sát, hỗ trợ việc tuân thủ các thực hành phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4.3. Các khoa, phòng, đơn vị có liên quan: các khoa, phòng, đơn vị liên quan theo phạm vi chuyên môn và chức năng nhiệm vụ của mình chủ động triển khai và phối hợp tham gia các hoạt động phòng chống bệnh dịch COVID-19.