cskh@atld.vn 0917267397
Hỏi & Đáp: Trường hợp nào bị coi là đình công bất hợp pháp?

1. Trường hợp nào bị coi là đình công bất hợp pháp?

Cụ thể tại Điều 204 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp đình công bất hợp pháp bao gồm:

- Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 Bộ luật Lao động 2019:

+ Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

+ Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

- Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

- Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

- Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

- Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 Bộ luật Lao động 2019: Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.

- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 Bộ luật Lao động 2019: Khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

2. Đình công như thế nào cho đúng luật?

Theo Điều 200 Bộ luật Lao động 2019 quy định trình tự đình công như sau:

(1) Lấy ý kiến về đình công theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động 2019:

- Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công quy định tại Điều 198 Bộ luật Lao động 2019 có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.

- Nội dung lấy ý kiến bao gồm:

+ Đồng ý hay không đồng ý đình công;

+ Phương án của tổ chức đại diện người lao động về nội dung quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động 2019.

- Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác.

- Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.

(2) Ra quyết định đình công và thông báo đình công theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Lao động 2019:

- Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Lao động 2019 thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.

- Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:

+ Kết quả lấy ý kiến đình công;

+ Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;

+ Phạm vi tiến hành đình công;

+ Yêu cầu của người lao động;

+ Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

- Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

(3) Tiến hành đình công.

3. Hành vi nào bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công?

Căn cứ theo Điều 208 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công bao gồm:

- Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

- Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

- Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

- Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

- Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết