cskh@atld.vn 0917267397
Quyết định số 479/QĐ-EVN ban hành Quy định Sức khỏe của người lao động làm việc trên cao trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam
TẬP ĐOÀN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Số: 479/QĐ-EVN Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy định Sức khỏe của người lao động làm việc trên cao trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam

 

TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
 

Căn cứ Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 1613/BYT-QĐ ngày 15/8/1997 của Bộ Y tế ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động;
Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp;
Theo đề nghị của Ông Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự.

 

QUYẾT ĐỊNH:
 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định Sức khỏe của người lao động làm việc trên cao trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1079/QĐ-EVN ngày 15/9/2017 của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc ban hành Quy định sức khỏe của người lao động làm việc trên cao thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Điều 3. Các Phó Tổng giám đốc EVN, Chánh Văn phòng, Trưởng các Ban Cơ quan EVN, các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận: TỔNG GIÁM ĐỐC
- Như Điều 3;
- HĐTV (để b/c);
- CĐĐLVN (để p/h);
- KSVNN;
- Lưu: VT, TC&NS.
 


 

TẬP ĐOÀN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯

QUY ĐỊNH
SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRÊN CAO TRONG TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA VIỆT NAM
––––––––––––––––––––––
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh :
Quy định về sức khỏe của người lao động làm việc trên cao trong các nghề, công việc quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 110kV trở lên trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với các đơn vị:
a) Các Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (“Tổng công ty”);
b) Công ty TNHH MTV là công ty con của các Tổng công ty;
c) Người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn;
d) Các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Khái niệm và các chữ viết tắt
1. Làm việc trên cao: làm việc ở độ cao từ 2,0 mét trở lên, được tính từ mặt đất (mặt bằng) đến điểm tiếp xúc của chân người thực hiện công việc.
2. Làm việc trên cao trên 50 mét: làm việc ở độ cao trên 50 mét, được tính từ mặt đất (mặt bằng) đến điểm tiếp xúc của chân người thực hiện công việc.
3. Đơn vị: các Tổng công ty, các đơn vị thành viên thuộc các Tổng công ty trong đối tượng áp dụng tại Điều 1 Quy định này.
4. Khám sức khỏe định kỳ: việc khám sức khỏe trong năm theo quy định của Nhà nước. Trong đó, đối tượng làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.
5. Trước khi làm việc trên cao: thời điểm ngay trước khi thực hiện các công việc để chuẩn bị cho làm việc trên cao hoặc ngay trước khi lên cao.
6. Nhân viên y tế đơn vị: cán bộ y tế được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Nhà nước hoặc nhân viên y tế kiêm nhiệm được đào tạo tập huấn về khám bệnh trước khi làm việc trên cao.
7. Chiều cao đứng: được đo bằng thước đo chiều cao, đơn vị tính là centimet (cm). Đo theo phương pháp thường quy trong nghiên cứu nhân trắc học, khi đo đối tượng không đi giầy dép và cần theo yêu cầu 3 chạm vào một mặt phẳng đứng (chạm đầu, chạm mông và chạm gót chân).
8. Trọng lượng cơ thể: xác định bằng cân y học. Đơn vị tính là kilogam (kg), khi cân không đi giầy, dép, mặc quần áo mỏng...
9. Chỉ số BMI (Body Mass Index): được tính dựa vào tỷ số giữa cân nặng và bình phương chiều cao theo công thức:

 

BMI = Cân nặng (kg)/[Chiều cao (m)]2
 

10. Tần số mạch: được lấy vào lúc đối tượng nghỉ yên tĩnh tương đối cùng với đo huyết áp (trong trường hợp đo tại nơi làm việc, đối tượng phải được nghỉ ít nhất 5 phút). Lấy mạch quay của tay bên phải theo phương pháp thường quy trong y học. Đếm mạch cả phút, kết quả tính bằng số nhịp/phút.
11. Nghiệm pháp Martinet: trước khi thực hiện nghỉ ngơi yên tĩnh hoàn toàn 5 phút, trong tư thế ngồi. Đo nhịp tim và huyết áp trước khi thực hiện nghiệm pháp. Sau đó yêu cầu đối tượng “ngồi xuống-đứng lên” với tốc độ 20 lần trong vòng 30 giây. Mỗi một lần gồm 2 động tác là: đứng lên (đứng thẳng hoàn toàn, tay buông xuôi) và ngồi xuống (mông chạm gót, tay giơ ra phía trước, vuông góc với thân người). Sau đó đo nhịp tim và huyết áp ngay sau khi kết thúc nghiệm pháp. Giá trị đề xuất: trong phút đầu tiên nhịp tim không tăng quá 50% so với lúc bình thường, huyết áp tối đa không tăng quá 20 mmHg, huyết áp tối thiểu không tăng quá 9 mmHg; thời gian phục hồi về bình thường 3 phút.
12. Huyết áp động mạch: được đo vào lúc yên tĩnh tương đối ở tư thế nằm, bằng huyết áp kế đồng hồ hoặc thủy ngân (trường hợp sử dụng huyết áp điện tử phải được chuẩn độ so sánh). Huyết áp được xác định sau 2 lần đo, khi kết quả đo lần thứ 2 bằng lần thứ nhất thì kết quả đó được ghi nhận. Nếu kết quả đo lần thứ 2 khác lần đầu, tiến hành đo lần thứ 3 sau khi cho đối tượng nằm nghỉ 5 phút, lấy kết quả thấp nhất trong 3 lần đo đó. Đơn vị tính bằng milimet thuỷ ngân (mmHg).
13. Hiệu số huyết áp: trị số thu được khi lấy huyết áp tối đa trừ cho huyết áp tối thiểu.
14. HATT: Huyết áp tâm thu hay Huyết áp tối đa.
15. HATTr: Huyết áp tâm trương hay Huyết áp tối thiểu.
16. XTTH: Xét từng trường hợp.
17. Nhóm A: nhóm người trước khi tuyển dụng chính thức.
18. Nhóm B: nhóm người lao động đang làm việc tại đơn vị.
19. Khả năng chú ý: được đánh giá bằng phương pháp sắp xếp bảng 25 chữ số lộn xộn. Cho đối tượng quan sát một bảng gồm 25 chữ số có giá trị nhỏ hơn 100, sắp xếp không theo thứ tự. Yêu cầu đối tượng vừa quan sát vừa sắp xếp các chữ số theo thứ tự từ nhỏ đến lớn vào một bảng có 25 ô trống theo chiều từ trái sang phải, từ trên xuống dưới trong thời gian là 2 phút.

 

Phân loại khả năng chú ý

Kết quả phân loại khả năng chú ý Số chữ số sắp xếp được
Tốt Từ 23 số trở lên
Khá Từ 17 đến 22 số
Trung bình Từ 12 hoặc 16 số
Kém Dưới 12 số

20. Trí nhớ ngắn hạn: được đánh giá bằng phương pháp nhìn - nhớ chữ số. Cho đối tượng quan sát và nhớ bảng 12 chữ số có giá trị hàng chục trong 30 giây, sau đó đối tượng ghi lại các số đã nhớ được. Đánh giá kết quả dựa vào số chữ số đã nhớ được.
 

Phân loại khả năng trí nhớ

Kết quả phân loại khả năng trí nhớ Số chữ số nhớ được
Tốt Từ 9 số trở lên
Khá Từ 6 đến 8 số
Trung bình 4 hoặc 5 số
Kém Dưới 4 số

21. Khả năng tư duy: đánh giá bằng phương pháp tìm số theo qui luật
- Cho đối tượng 1 bảng số với 15 bài toán (theo 15 hàng) theo qui luật nhất định đã được in sẵn. Trong đó, mỗi bài toán cho trước 7 số, các số liên hệ theo một qui luật nhất định. Đối tượng có nhiệm vụ xác định qui luật đó rồi tính kết quả của 2 số tiếp theo và viết vào 2 ô còn trống trong mỗi bài toán.
- Đối tượng có nhiệm vụ làm bài tập với thời gian 7 phút.
- Đánh giá kết quả dựa theo chỉ số:

Kết quả Số dãy số xác định đúng
Tốt 14 – 15
Khá 11 – 13
Trung bình 8 – 10
Kém 6 – 7

22. Khả năng tri giác: đánh giá bằng phương pháp địa bàn
a) Cho đối tượng một bản in sẵn gồm 50 địa bàn. Ở mỗi địa bàn cho sẵn ký hiệu của 1 trong 8 hướng của địa bàn và một mũi tên chỉ vào mốc của hướng địa bàn cần xác định.
b) Đối tượng được phép xác định các hướng của địa bàn trong 10 phút.
c) Cách đánh giá kết quả, dựa vào số địa bàn xác định đúng:
- Xác định đúng từ 45 địa bàn trở lên: xếp loại giỏi.
- Xác định đúng từ 31 đến 44 địa bàn: xếp loại khá.
- Xác định đúng từ 23 đến 30 địa bàn: xếp loại trung bình.
- Xác định đúng dưới 23 địa bàn: xếp loại yếu.
23. Cách thực hiện 4 test về tâm sinh lý (chú ý, trí nhớ, tư duy và tri giác không gian) trên đây phải được thay đổi, không giống nhau giữa các lần khám.
24. SK50: phiếu kiểm tra sơ bộ về sức khỏe trước khi làm việc ở độ cao trên 50 mét, 01 phiếu để ghi chung cho cả tổ, nhóm hoặc đội công tác.
25. Những từ ngữ, chữ viết tắt khác được hiểu và được giải nghĩa theo quy định trong Bộ luật Lao động; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Doanh nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội ; Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật khác đang có hiệu lực tại thời điểm áp dụng.
Điều 3. Nguyên tắc khám sức khỏe
1. Bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử với mọi người lao động trong khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe trước khi làm việc trên cao trên 50 mét;
2. Giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư khai thác được trong quá trình khám sức khỏe, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;
3. Tuân thủ đúng quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật y tế;
4. Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp.

 

Chương II
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRÊN CAO

 

Điều 4. Quy định chung về sức khỏe
1. Quy định này cung cấp các chỉ tiêu về sức khỏe làm căn cứ để kết luận người lao động có đủ sức khỏe để làm việc trên cao và làm quy định để khám sức khỏe trong tuyển dụng lao động mới.
2. Quy định này làm cơ sở để các đơn vị yêu cầu cơ sở hoặc đoàn khám sức khỏe định kỳ hoặc cán bộ y tế phối hợp thực hiện. Trong đó, một số chỉ tiêu chỉ áp dụng cho nhóm A hoặc nhóm B (có ghi chú cụ thể trong các Điều), những chỉ tiêu còn lại là áp dụng chung cho cả 2 nhóm A và B.
3. Trên cơ sở quy định phân loại sức khỏe của Bộ Y tế và Quy định này để khám và xác nhận người lao động có đủ hay không đủ khả năng sức khỏe làm việc trên cao và ghi kết luận vào hồ sơ khám sức khỏe định kỳ (Mục kết luận sức khỏe).
4. Đối tượng đủ sức khỏe làm việc trên cao phải đảm bảo
Có kết luận sức khỏe thấp nhất là loại 2 đối với lao động tuyển dụng mới và có kết luận sức khỏe thấp nhất là loại 3 đối với người lao động đang làm việc (theo quy định tại Quyết định 1613/QĐ-BYT ngày 15/8/1997 của Bộ Y tế về Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ và các sửa đổi bổ sung sau này) và đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe từ Điều 5 đến Điều 21 Quy định này.
Điều 5. Yêu cầu về Thể lực chung

Các chỉ tiêu Nhóm A Nhóm B
Chiều cao đứng (cm) Từ trên 160 Từ trên 158
Cân nặng (kg) > 55 > 52
Vòng ngực trung bình (cm) Từ trên 50% chiều cao đứng Từ trên 50% chiều cao đứng
Chỉ số BMI Từ 18,5 đến 24,9 Từ 18,5 đến 24,9

Điều 6. Yêu cầu về tần số mạch
1. Nhịp tim (tần số mạch) trong khoảng 60 đến 85 lần/phút;
2. Nếu tần số mạch dưới 60 lần/phút thì phải tiến hành làm nghiệm pháp Martinet, kết quả được chấp nhận khi đảm bảo giá trị đề xuất của nghiệm pháp.
Điều 7. Yêu cầu về huyết áp
1. Trị số huyết áp theo tuổi (mmHg)

Các chỉ tiêu Huyết áp Nhóm A Nhóm B
Người lao động
dưới 40 tuổi
HATT 100 đến 125 100 đến 135
HATTr 60 đến 80 60 đến 85
Người lao động
từ trên 40 tuổi
HATT 60 đến 80 60 đến 85
HATTr 60 đến 85 60 đến 89

2. Hiệu số huyết áp phải đạt từ 30 mmHg trở lên ở tất cả các trường hợp trên.

Đối với nhóm A, tiền sử gia đình không có người mắc bệnh tăng huyết áp.
Điều 8. Yêu cầu về chức năng tâm sinh lý lao động
1. Người lao động phải có nguyện vọng và tự nguyện làm việc;
2. Tiếng nói rõ, dễ phân biệt; không nói lắp;
3. Các nghiệm pháp tâm sinh lý lao động gồm: khả năng chú ý, trí nhớ, tư duy và tri giác không gian đạt mức trung bình trở lên với nhóm B. Nhóm A có khả năng chú ý, trí nhớ, tư duy và tri giác không gian đạt mức khá trở lên;
4. Không lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích tác động tâm thần dẫn đến thay đổi về tâm thần và tâm lý, làm ảnh hưởng tới công tác.
Điều 9. Yêu cầu về Tuần hoàn
Không mắc các bệnh sau về Tuần hoàn:
1. Các bệnh van tim do thấp, bệnh tim bẩm sinh, viêm màng ngoài tim;
2. Viêm tắc động tĩnh mạch, phình động mạch;
3. Nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, bệnh cơ tim;
4. Đặt Stent động mạch vành;
5. Ngất chưa rõ nguyên nhân hoặc ngất tái phát;
6. Có bất thường ở 12 đạo trình trên điện tim thì XTTH;
7. Block nhĩ thất độ 1 không phải sinh lý;
8. Block nhĩ thất độ 2 hoặc 3;
9. Block nhánh trái không hoàn toàn hoặc Block nhánh phải hoàn toàn;
10. Sóng ST chênh bệnh lý trên điện tim mặc dù không có biểu hiện đau cơn đau thắt ngực.
11. Loạn nhịp tim các thể (trừ trường hợp mất sau nghiệm pháp gắng sức);
12. Xét nghiệm máu ngoại vi có rối loạn thì XTTH.
Điều 10. Yêu cầu về Hô hấp
Không mắc các bệnh sau về Hô hấp:
1. Phế quản: viêm phế quản mạn tính có hội chứng tắc nghẽn, hội chứng hạn chế, các phẫu thuật lớn ở ngực có ảnh hưởng tới chức năng hô hấp;
2. Phổi: xẹp phổi, khí phế thũng, cắt thùy phổi, lao phổi, bệnh bụi phổi;
3. Ho ra máu chưa rõ nguyên nhân thì XTTH;
4. X quang lồng ngực có bất thường thì XTTH;
5. Màng phổi: viêm màng phổi tràn dịch có dày dính, viêm phổi phế quản đã điều trị nhưng dày dính màng phổi, tràn mủ màng phổi đã điều trị nhưng có dày dính, tràn khí màng phổi (các trường hợp trên cho phép XTTH);
6. Có hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Điều 11. Yêu cầu về Hệ vận động
Không mắc các bệnh sau về Hệ vận động:
1. Thân thể, cơ bắp phát triển không cân đối thì XTTH;
2. Thoái hóa khớp gối và cột sống thắt lưng sau chấn thương;
3. Bệnh Gout mạn tính có hoặc không có biến chứng;
4. Viêm khớp dạng thấp ở các mức độ và giai đoạn;
5. Bắp thịt teo và bệnh ở hệ thống bắp thịt làm hạn chế cử động của thân thể, làm khó thực hiện công việc;
6. Tất cả các quá trình bệnh trong xương và khớp xương ở chi dưới, chi trên và ở xương sống làm cản trở sự cử động thì XTTH.
Điều 12. Yêu cầu về Tâm thần - thần kinh
Không mắc các bệnh sau về Tâm thần - thần kinh:
1. Chấn thương sọ não, cột sống;
2. Bệnh ở hệ Thần kinh ngoại biên làm trở ngại khi trèo cao và thực hiện công việc trên cao thì XTTH;
3. Hội chứng tiểu não (mất điều hòa, rung giật nhãn cầu, chóng mặt có hệ thống…);
4. Liệt, teo cơ ở 1 hoặc 2 tay hoặc liệt, teo ở 1 hoặc 2 chân;
5. Viêm dây thần kinh tọa;
6. Hội chứng đau nửa đầu (Migraine);
7. Các chứng bệnh mạch máu não;
8. Ra mồ hôi tay, chân mức độ vừa và nặng;
9. Có sẹo trên da đầu do chấn thương và do vết thương cũ thì XTTH.
Điều 13. Yêu cầu về Tiêu hóa
Không mắc các bệnh sau về Tiêu hóa:
1. Viêm dạ dày, tá tràng đã điều trị thỉnh thoảng tái phát thì XTTH;
2. Loét dạ dày, tá tràng phẫu thuật có kết quả tốt, thể lực tốt thì XTTH;
3. Loét dạ dày, tá tràng đã điều trị thỉnh thoảng tái phát thì XTTH;
4. Viêm đại tràng mạn tính thì XTTH;
5. Lao Phúc mạc đang điều trị;
6. Nứt hậu môn đã điều trị kết quả không tốt thì XTTH;
7. Ung thư mạc treo (không đủ sức khỏe làm việc trên cao);
8. Ung thư di căn đến ổ bụng (không đủ sức khỏe làm việc trên cao).
Điều 14. Yêu cầu về Tiết niệu - sinh dục
Không mắc các bệnh sau về Tiết niệu - sinh dục:
1. Bất thường về cấu trúc hay chức năng của thận, tiết niệu;
2. Sỏi thận, bàng quang, niệu quản điều trị kết quả tốt thì XTTH;
3. Viêm đường tiết niệu có ảnh hưởng tới chức năng thận;
4. Lao một trong các cơ quan thuộc hệ tiết niệu sinh dục;
5. Bệnh mạn tính ở bàng quang hay có diễn biến cấp tính;
6. Hội chứng thận hư;
7. Thận ứ dịch (nước tiểu hoặc mủ);
8. U tiền liệt tuyến có ảnh hưởng tới tiểu tiện;
9. Viêm đường tiết niệu mạn tính.
Điều 15. Yêu cầu về Nội tiết - chuyển hóa
Không mắc các bệnh sau về Nội tiết - chuyển hóa:
1. Bệnh tiểu đường típ I phải dùng insuline;
2. Tiền đái tháo đường (Glucose máu lúc đói > 6,1mmol/l);
3. Các thể hạ đường huyết;
4. Suy thượng thận mạn tính các mức độ, do các nguyên nhân khác nhau;
5. Suy chức năng tuyến giáp các mức độ, do các nguyên nhân khác nhau.
Điều 16. Yêu cầu về Ngoài da - hoa liễu
Không mắc các bệnh sau về Ngoài da - hoa liễu:
1. Viêm da cơ địa thì XTTH;
2. Các bệnh da dị ứng, tự miễn như: bệnh da bọng nước, lupus ban đỏ, xơcứng bì, viêm bì cơ, vẩy nến, mày đay mạn (các bệnh này XTTH) ;
3. Nấm hắc lào, nấm bẹn không kể diện tích tổn thương, có hoặc không có biến chứng thì XTTH;
4. Nấm kẽ chân thì XTTH;
5. Nấm lang ben diện rộng (thể lan tỏa);
6. Bệnh trứng cá mức độ nặng.
Điều 17. Yêu cầu về Tai, mũi, họng
Không mắc các bệnh sau về Tai, mũi, họng:
1. Thủng hoặc mất chức năng màng nhĩ;
2. Viêm tai xương chũm điều trị nhưng không ổn định, sức nghe giảm;
3. Viêm đa xoang mạn tính có ảnh hưởng tới hô hấp và hay tái phát;
4. Rối loạn tiếng nói và giọng nói;
5. Polip mũi chưa điều trị;
6. Dị dạng mũi gây rối loạn hô hấp và phát âm;
7. Hội chứng tiền đình do bệnh tai trong;
8. Rối loạn khả năng điều hòa động tác;
9. Viêm ống tai ngoài mạn tính hoặc hẹp, dị dạng ống tai có kèm theo suy giảm sức nghe;
10. Các khối u tai mũi họng (cả lành và ác tính);
11. Các di chứng chấn thương tai, mũi, xoang ảnh hưởng đến chức năng;
12. Viêm tắc vòi nhĩ do nhiều nguyên nhân, dẫn đến ù tai, giảm thính lực; 
13. Bệnh ù tai do căn nguyên mạch;
14. Tiền sử chảy máu mũi hay tái phát do các nguyên nhân khác nhau.
Điều 18. Yêu cầu về Mắt
Không mắc các bệnh sau về Mắt:
1. Thị lực dưới 7/10 ở một mắt và tổng thị lực 2 mắt dưới 14/10;
2. Các trường hợp tật khúc xạ của mắt phải đeo kính;
3. Thị trường của mắt bị hạn chế (dưới 200);
4. Bệnh chảy nước mắt không chữa được;
5. Chứng mù sắc làm cản trở sự tiếp nhận những báo hiệu màu sắc;
6. Cử động của mắt bị hạn chế;
7. Sẹo giác mạc bất kỳ mức độ nào hoặc vị trí nào.
Điều 19. Yêu cầu về Răng, hàm, mặt
Không mắc các bệnh sau về Răng, hàm, mặt:
1. Răng sâu men, ngà 5 cái trở lên điều trị nhưng chưa ổn định thì XTTH;
2. Mất 4 răng trở lên (trong đó có ít nhất một răng số 6 hoặc 7) mà chưa làm
phục hình răng giả. Nếu đã làm răng giả thì thì XTTH;
3. Có răng giả tháo lắp thì XTTH;
4. Viêm xương hàm mạn tính.
Điều 20. Yêu cầu về U các loại
Không mắc: U lành làm cản trở vận động.
Điều 21. Yêu cầu về cơ quan tạo máu
Không mắc bệnh sau về cơ quan tạo máu:
1. Bệnh về máu và cơ quan tạo máu thì XTTH;
2. Cường lách, lách to;
3. Hội chứng thiếu hụt miễn dịch;
4. Bệnh tự miễn dịch.

 

Chương III
QUY ĐỊNH RIÊNG VỀ SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC Ở ĐỘ CAO TRÊN 50 MÉT

 

Điều 22. Điều kiện chung về sức khỏe của người lao động làm việc ở độ cao trên 50 mét
Người lao động làm việc ở độ cao trên 50 mét phải thỏa mãn điều kiện:
1. Được cơ quan y tế có thẩm quyền khám sức khỏe định kỳ và kết luận đủ sức khỏe làm việc trên cao theo quy định tại Chương II của Quy định này trong lần khám sức khỏe định kỳ gần nhất còn hiệu lực.
2. Trước khi làm việc trên cao trên 50 mét: được kiểm tra sức khỏe sơ bộ và đủ điều kiện sức khỏe theo các chỉ tiêu tại mẫu phiếu SK50 kèm theo Phụ lục 1 của Quy định này.
Điều 23. Yêu cầu về tần số mạch
1. Nhịp tim (tần số mạch) đo trong tư thế nằm, được nghỉ ngơi yên tĩnh ít nhất trong 5 phút. Tần số mạch đủ điều kiện làm việc trên 50 mét khi đạt yêu cầu trong khoảng 60 đến 85 lần/phút (đo trong 01 phút).
2. Nếu tần số mạch dưới 60 lần/phút thì phải tiến hành làm nghiệm pháp Martinet, kết quả được chấp nhận khi đảm bảo giá trị đề xuất của nghiệm pháp.
Điều 24. Yêu cầu về huyết áp
1. Đối với HATT:
a) Người lao động dưới 40 tuổi: đạt yêu cầu làm việc khi trị số đo được trong khoảng 100 đến 130 mmHg.
b) Người lao động từ trên 40 tuổi: đạt yêu cầu làm việc khi trị số đo được trong khoảng 100 đến 139 mmHg.
2. Đối với HATTr: người lao động đủ điều kiện để làm việc khi trị số đo được trong khoảng 60 đến 89 mmHg.
3. Hiệu số huyết áp phải đạt từ 30 mmHg trở lên.
Điều 25. Các chỉ tiêu khác được hỏi trực tiếp người lao động
1. Người lao động không bị đau mắt; không bị sốt và không có các bệnh cấp tính khác ảnh hưởng đến quá trình lên cao và làm việc ở trên cao.
2. Ngủ tốt hoặc bình thường: Khi giấc ngủ đêm trước bình thường, không có than phiền gì về tình trạng mất ngủ.
3. Cảm giác ngủ dậy bình thường, sảng khoái: cảm giác sức khỏe tốt, sẵn sàng tham gia công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không có than phiền gì về gia đình khi được hỏi hoặc từ khai báo.
4. Không có các tình trạng lo lắng về hoàn thành công việc, về an toàn lao động; sẵn sàng, tự nguyện làm việc và hoàn thành công việc được giao.

 

Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 26. Tổ chức thực hiện
1. Các đơn vị bố trí nhân viên y tế theo các quy định hiện hành của EVN về phê duyệt mô hình tổ chức, định biên lao động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người lao động và khám sức khỏe cho người lao động trước khi làm việc trên cao trên 50 mét.
2. Các đơn vị có trách nhiệm hợp đồng với cơ quan y tế có thẩm quyền và phối hợp với Trưởng đoàn khám sức khỏe định kỳ để tổ chức triển khai thực hiện Quy định này. Đối với các trường hợp còn có các ý kiến khác nhau về kết luận khả năng sức khỏe để làm việc trên cao cần phải bàn bạc thống nhất với cơ sở/Trưởng đoàn khám sức khỏe để giải quyết hoặc gửi lên tuyến trên để khám kết luận.
3. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe cho người lao động làm việc trên cao được xây dựng trong kế hoạch an toàn vệ sinh lao động (phần chăm sóc sức khỏe người lao động) và được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Điều 27. Điều khoản thi hành
1. Căn cứ Quy định này Người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn tổ chức xây dựng, biểu quyết, ban hành quy định có nội dung liên quan đến Quy định này tại đơn vị mình.
2. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu phát sinh vướng mắc, các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm phản ánh về EVN để xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

 

Mẫu phiếu SK50

Phụ lục I
PHIẾU THEO DÕI SỨC KHỎE LÀM VIỆC CAO TRÊN 50 MÉT

Tên tổ, đội nhóm công tác…………………………..Thuộc đơn vị:…………………
Thực hiện nhiệm vụ cụ thể, tại:………………………………………………………
Thời gian kiểm tra sơ bộ sức khỏe: giờ   ngày   tháng   năm

NỘI DUNG THEO DÕI SỨC KHỎE
(Các tiêu chí dưới đây đối chiếu theo quy định tại Chương III của Quy định này)

T T Họ và tên
người lao
động
Nhịp
tim
Huyết
áp
Sốt hoặc
đau mắt,
bệnh khác
Giấc
ngủ,
ngủ dậy
Tự đánh giá
hoàn thành
công việc
Xác nhận
về sức
khỏe
1              
2              
3              
4              
5              
6              
7              
8              
9              
10              

Người theo dõi
(Ký tên)
 


Phụ lục II
CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CÁC QCQLNB KHÁC LÀM CĂN CỨ BAN HÀNH CÓ LIÊN QUAN

 

I. Văn bản quy phạm pháp luật:
1. Luật số: 21/LCT/HĐNN8 của Hội đồng Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 ngày 30/6/1989 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế sau này.
2. Luật số: 40/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23/11/2009 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế sau này.
3. Luật số: 84/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25/6/2015 .
4. Thông tư số 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 06/5/2013 về hướng dẫn khám sức khỏe.
5. Quyết định số 1613/BYT-QĐ của Bộ Y tế ngày 15/8/1997 về việc ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động.
II. Quy chế quản lý nội bộ của EVN:
1. Quyết định 1017/QĐ-EVN ngày 13/7/2020 ban hành Quy định quản lý và sử dụng các quỹ áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế sau này

Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết