Khí thải nhà kính (hay khí nhà kính) là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính (theo khoản 29 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14).
Theo khoản 1 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các khí thải nhà kính chính đáng lo ngại phải kể đến carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O).
Trong đó, CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, metan tồn tại trong khoảng 10 năm còn oxit nitơ tồn tại trong khoảng 120 năm.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian 20 năm, metan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2 và oxit nitơ mạnh gấp 280 lần.
Theo tìm hiểu, các nguyên nhân chính gây ra khí nhà kính gồm:
- Việc đốt cháy than, dầu và khí đốt tự nhiên để tạo ra điện, vận chuyển năng lượng hoặc cung cấp nhiệt sẽ tạo ra CO2.
- Hoạt động khai thác dầu khí, khai thác than, bãi chôn lấp rác thải chiếm 55% lượng khí metan do con người gây ra. Khoảng 32% lượng khí thải metan khác là do bò, cừu và các loài nhai lại khác lên men thức ăn trong dạ dày của chúng. Quá trình phân hủy phân và trồng lúa cũng gây phát thải khí metan trong ngành nông nghiệp.
- Phần lớn khí thải oxit nitơ do con người gây ra phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp. Vi khuẩn trong đất và nước chuyển đổi nitơ thành oxit nitơ một cách tự nhiên, nhưng việc sử dụng phân bón và quá trình phân hủy phân bón sẽ làm tăng thêm quá trình này do đưa nhiều nitơ vào môi trường hơn.
Khí thải nhà kính là gì? (Ảnh minh họa)
Theo khoản 2 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các giải pháp để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm:
- Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế;
- Kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan;
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
- Xây dựng, triển khai cơ chế, phương thức hợp tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Tổ chức và phát triển thị trường CO2 trong nước.
- Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật 02 năm/lần trên cơ sở:
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên/thuộc một trong các trường hợp sau:
- Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
- Công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
- Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
- Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.