cskh@atld.vn 0917267397
TCVN 6561:1999 về an toàn bức xạ ion hoá tại các cơ sở X quang y tế do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 6561 : 1999

AN TOÀN BỨC XẠ ION HÓA - TẠI CÁC CƠ SỞ X QUANG Y TẾ

Radiation protection for medical installations using X-ray machine

Lời nói đầu

TCVN 6561 : 1999 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 8 "Năng lượng hạt nhân biên soạn" biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ  ban hành.

Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

 

AN TOÀN BỨC XẠ ION HÓA - TẠI CÁC CƠ SỞ X QUANG Y TẾ

Radiation protection for medical installations using X-ray machine

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này qui định các yêu cầu về bảo đảm an toàn bức xạ ion hóa đối với các cơ sở X-quang y tế (khoa, phòng, đơn vị ...) có sử dụng máy X quang để chuẩn đoán, điều trị.

Ngoài việc tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn này, các cơ sở X quang y tế còn phải tuân thủ các quy định hiện hành khác có liên quan đến an toàn bức xạ ion hóa.

Các máy gia tốc để chữa bệnh được áp dụng tiêu chuẩn riêng.

2. Liều giới hạn

2.1. Liều giới hạn cho các đối tượng khác nhau được qui định trong Bảng 1.

Bảng 1 - Liều giới hạn trong một năm

Đơn vị tính bằng mSv

Loại liều và đối tượng áp dụng

Nhân viên bức xạ

Thực tập, học nghề 16-18 tuổi

Nhân dân

Liều hiệu dụng toàn phần

20 (1)

6

(2)

Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mắt

150

50

15

Liều tương đương đối với tay, chân và da

500

150

50

Chú thích -

(1) Liều hiệu dụng đối với nhân viên bức xạ là 20 mSv/năm được lấy trung bình trong 5 năm làm việc liên tục. Trong một năm riêng lẻ thì có thể lên tới 50 mSv, nhưng phải bảo đảm liều trung bình trong 5 năm đó không được vượt quá 20 mSv/năm.

- Trong tình huống đặc biệt, liều hiệu dụng cho nhân viên bức xạ là 20 mSv/năm được lấy trung bình trong 10 năm làm việc liên tục và trong một năm riêng lẻ trong thời gian đó không có năm nào được vượt quá 50 mSv.

- Khi liều hiệu dụng được tích lũy của nhân viên bức xạ kể từ khi bắt đầu của thời kỳ lấy trung bình cho đến khi đạt tới 100 mSv thì phải xem xét lại. Nếu sức khỏe vẫn bình thường, không có biểu hiện ảnh hưởng của phóng xạ, không có sự thay đổi trong công thức máu ... thì được tiếp tục công việc đã làm.

(2) Trong tình huống đặc biệt, liều hiệu dụng đối với nhân dân có thể là 5 mSv trong một năm riêng lẻ nhưng liều trung bình trong 5 năm liên tục không được vượt quá 1 mSv/năm;

2.2. Liều giới hạn đối với người trợ giúp bệnh nhân.

Liều giới hạn đối với người trợ giúp bệnh nhân không được vượt quá 5 mSv suốt thời gian chẩn đoán hoặc điều trị của bệnh nhân;

2.3. Liều khuyến cáo để chiếu, chụp 1 phim X quang 1 lần đối với bệnh nhân, xem phụ lục B (tham khảo).

3. Địa điểm của một cơ sở X quang

Cơ sở X quang phải đặt ở nơi cách biệt, bảo đảm không gần các khoa như khoa nhi, khoa phụ sản, khu vực dòng người qua lại v.v...

4. Bố trí một cơ sở X quang

Một cơ sở X quang tối thiểu phải gồm các phòng riêng biệt sau đây:

- phòng chờ (hoặc nơi chờ) của bệnh nhân;

- phòng đặt máy X quang;

- phòng xử lý phim (phòng tối);

- phòng (hoặc nơi) làm việc của các nhân viên bức xạ.

4.1. Phòng chờ (hoặc nơi chờ) của bệnh nhân

Phòng chờ (hoặc nơi chờ) của bệnh nhân phải tách biệt với phòng máy X quang. Liều giới hạn ở mọi điểm trong phong này không được vượt quá liều giới hạn cho phép là 1 mSv/năm.

4.2. Phòng đặt máy X quang

Phòng đặt máy X quang đáp ứng các yêu cầu sau:

a) thuận tiện cho việc lắp đặt, vận hành thao tác máy, di chuyển an toàn bệnh nhân. Diện tích phòng tối thiểu là 25 m2, trong chiều rộng tối thiểu là 4,5 m, chiều cao phải trên 3 m cho một máy X quang bình thường.

Đối với các phòng đặt máy X quang dùng chụp ảnh vú, chụp ảnh răng và chụp cắt lớp điện toán (CT scanner) phải tuân thủ kích thước tiêu chuẩn quy định trong phụ lục A.

Đối với những loại máy mới có thiết kế phòng đặt máy kèm theo của hãng sản xuất, nếu kích thước nhỏ hơn quy định ở trên thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Khi tính toán, thiết kế độ dầy của tường, trần, sàn và các cửa của phòng X quang phải chú ý đến đặc trưng của thiết bị (điện thế, cường độ dòng điện), thời gian sử dụng máy, hệ số chiếm cứ bên ngoài phòng X quang mà tính toán chiều dày thích hợp cho từng bức tường, cửa, trần, sàn nhà. Đặc biệt ở các chỗ giáp nối giữa tường và các cửa hoặc giữa các bức tường của phòng máy X quang phải được thiết kế, xây dựng bảo đảm mức bức xạ rò thoát ra ngoài không vượt quá 1 mSv/năm (không kể phông bức xạ tự nhiên).

Các bức tường của phòng X quang phía ngoài có lối đi lại phải bảo đảm liều bức xạ cho phép trong một năm không được vượt quá 1 mSv (không kể phông bức xạ tự nhiên);

c) mép dưới của các cửa thông gió, các cửa sổ không có che chắn bức xạ của phòng X quang phía ngoài có người qua lại phải có độ cao tối thiểu là 2 m so với sàn nhà phía ngoài phòng X quang;

d) phải có đèn hiệu và biển cảnh báo bức xạ ở ngang tầm mắt gắn phía bên ngoài cửa ra vào phòng X quang. Đèn hiệu phải phát sáng trong suốt thời gian máy có chế độ phát bức xạ;

e) việc lắp đặt máy X quang phải bảo đảm: khi máy hoạt động, chùm tia X không phát ra hướng có cửa ra vào hoặc hướng có nhiều người qua lại và phải được che chắn bảo vệ tầm nhìn của mắt khỏi nguồn bức xạ. Chiều cao tấm chắn phải trên 2 m kể từ sàn nhà, chiều rộng tấm chắn tối thiểu là 90 cm và độ dày tương đương là 1,5 mm chì;

g) các phòng có bố trí 2 máy X quang thì mỗi khi chiếu, chụp chỉ cho phép vận hành 1 máy;

h) tùy theo mỗi loại máy mà bàn điều khiển được đặt trong hoặc ngoài phòng X quang. Phải có kính chì để quan sát bệnh nhân và phải bảo đảm liều giới hạn tại bàn điều khiển không được vượt quá 20mSv/ năm tức là 10mSv/h (không kể phông bức xạ tự nhiên).

4.3. Phòng xử lý phim (phòng tối)

- Phòng xử lý phim phải biệt lập với phòng X quang.

- Phòng xử lý phim phải bảo đảm liều không ảnh hưởng đến quá trình xử lý phim và bảo đảm cho các phim chưa xử lý không bị chiếu quá liều 10 mGy/tuần (1,13 mR/tuần), không kể phông bức xạ tự nhiên.

- Cửa ra vào phòng xử lý phim không bị chiếu bởi các tia trực tiếp.

- Hộp chuyển catset đặt trong phòng X quang phải có vỏ bọc có độ dầy tương đương là 2 mm chì.

4.4. Phòng (hoặc nơi) làm việc của nhân viên bức xạ

Phòng (hoặc nơi) làm việc của nhân viên bức xạ phải biệt lập với phòng máy X quang. Liều giới hạn cho phép tại bất kỳ điểm nào trong phòng không được vượt quá 1 mSv/năm (không kể phông bức xạ tự nhiên).

5. Máy chụp X quang chuẩn đoán

Máy chụp X quang chẩn đoán phải bảo đảm các yêu cầu sau:

5.1. Mức rò thoát bức xạ qua vỏ bọc bóng phát tia X ở bất cứ hướng nào lấy trung bình qua thiết diện 100 cm2, ở cách nguồn phát 1 m không được vượt quá 1 mGy/h ở từng công suất xác lập của máy. Trên mặt hộp phải ghi rõ mặt phẳng hội tụ.

5.2. Máy chụp X quang chẩn đoán phải có các chụp hình nón chuẩn trục hoặc bộ khu trú chùm tia, (diaphragm) bảo đảm các yêu cầu sau:

- có cùng mức rò thoát bức xạ như vỏ bọc bóng phát tia X;

- trên mỗi bộ phận phải ghi rõ kích thước của chùm tia hiệu dụng.

5.3. Máy chụp X quang chẩn đoán phải có bộ lọc chùm tia bảo đảm các yêu cầu sau:

- đối với các máy X quang có mức điện thế hoạt động cực đại trên 100 kV thì bộ lọc tia X tổng cộng trên cửa chính của vỏ bọc bóng phát tia X phải có độ dày tối thiểu tương đương 2,5 mm nhôm, trong đó có 1,5 mm gắn cố định trong hộp.

- đối với các máy X quang có mức điện thế làm việc cực đại thấp hơn 100 kV thì bộ lọc tia X tổng cộng phải có độ dày tối thiểu tương đương 2 mm nhôm, trong đó có 1,5 mm lắp sẵn trong hộp.

Đối với các máy X quang dùng trong chụp ảnh vú thì bộ lọc cố định có độ dày tương đương 0,5 mm nhôm.

- đối với các thiết bị chụp ảnh răng, bộ lọc tia X phải có độ dày tương đương 1,5 mm nhôm. Bộ lọc cố định được lắp sẵn trong bộ lọc bóng phát tia. Tất cả các bộ lọc bổ sung phải ghi rõ độ lọc tương đương trên đó.

5.4. Bộ vít khóa

Vỏ bọc bóng và giá đỡ bóng phát tia X phải có các vít khóa tốt để cố định bóng tại vị trí và hướng đã chọn.

5.5. Cáp nối

Cáp nối từ bàn điều khiển đến bóng phát tia X phải có chiều dài tối thiểu là 3m. Đối với các máy X quang chụp ảnh răng, hoặc loại di động, xách tay, chiều dài cáp nối tối thiểu là 2m.

5.6. Bàn điều khiển

Bàn điều khiển phải bảo đảm các yêu cầu:

- có đầy đủ các bộ chỉ thị về các thông số hoạt động của máy: điện thế bóng phát tia X, cường độ dòng bóng phát tia X, thời gian chiếu, liều tích phân (miliampe.giây).

- phải có đèn báo các trạng thái tắt mở của máy phát.

6. Máy chiếu X quang chẩn đoán

6.1. Máy chiếu X quang chẩn đoán phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- đối với các máy chiếu X quang chẩn đoán tim mạch, độ dầy bộ lọc tia X tổng cộng phải có độ dày tối thiểu tương đương 2,5 mm nhôm;

- phải có bộ đặt thời gian tự động. Dải làm việc cực đại của bộ đặt thời gian tự động không được vượt quá 5 phút, có tín hiệu báo ở cuối thời gian đặt trước;

- khoảng cách từ nguồn phát tia X đến da bệnh nhân trong trường hợp chiếu X quang bình thường không được dưới 60 cm;

- không được dùng máy chiếu để khám răng.

6.2. Đối với máy chiếu X quang có màn huỳnh quang

Ngoài các quy định theo các điều 3; 4 và 5.1, máy chiếu X quang có màn huỳnh quang còn phải tuân thủ các yêu cầu sau:

6.2.1. Sắp đặt màn huỳnh quang

Bóng phát tia X và màn huỳnh quang phải thành một hệ liên kết với nhau, bảo đảm chuyển động đồng bộ và thẳng hàng, trục chùm tia X phải đi qua tâm màn huỳnh quang với mọi vị trí của bóng.

6.2.2. Bộ khu trú chùm tia (diaphragm) của máy chiếu X quang

Bộ vi chỉnh cơ khí điều khiển màn che chắn phải có độ chính xác nghiêm ngặt, bảo đảm: khi diaphragm mở hoàn toàn, màn huỳnh quang ở khoảng cách lớn nhất thì vùng diện tích màn huỳnh quang bị chiếu sáng bởi chùm tia X hiệu dụng nằm lọt hẳn trong màn huỳnh quang; biên vùng sáng cách mép biên màn huỳnh quang là 1 cm.

6.2.3. Điều khiển độ sáng tự động (nếu có)

Phải có thiết bị kiểm soát điện thế và cường độ dòng điện của bóng phát tia X để duy trì sự phát quang ổn định trên màn huỳnh quang.

6.2.4. Công tắc điều khiển bằng chân và đèn báo

Các máy chiếu X quang phải có công tắc điều khiển bằng chân và đèn báo trạng thái tắt mở của máy.

6.2.5. Kính chì bảo vệ

Kính chì phủ ngoài màn huỳnh quang phải có độ dày tối thiểu tương đương chì theo yêu cầu sau:

- đối với các thiết bị có điện thế làm việc đến 100 kV thì độ dầy tương đương chì là 2 mm;

- đối với các thiết bị có điện thế làm việc trên 100 kV, độ dày tương đương chì này phải tăng thêm 0,01 mm cho mỗi kV vượt quá.

6.2.6. Ghế của máy chiếu X quang

Ghế của máy chiếu X quang phải có tác dụng che chắn bức xạ có độ dày tương đương tối thiểu là 1,5 mm chì.

6.2.7. Tấm chắn cao su chì

Tấm chắn cao su chì phải có độ dày tương đương tối thiểu là 0,5 mm chì, kích thước 45 cm x 45 cm, treo từ cạnh dưới khung giữ màn huỳnh quang nếu màn này để thẳng đứng; treo vào cạnh bên của khung nếu màn này để nằm ngang;

Các khe hở về phía nhân viên ngồi làm việc phải được che một lớp cao su chì có độ dày tối thiểu tương đương 1,5 mm chì.

7. Máy chiếu X quang chẩn đoán có thiết bị tăng sáng truyền hình

Máy chiếu X quang loại này phải chú ý đến suất kerma (K) trong không khí tại lối vào màn tăng sáng truyền hình. Suất kerma này theo kích thước trường xạ không được vượt quá:

120 mGy/min đối với trường xạ từ 11 đến <14 cm;

90 mGy/min đối với trường xạ từ 14 đến <23 cm;

60 mGy/min đối với trường xạ ³ 23 cm.

8. Máy chiếu X quang điều trị

Máy chiếu X quang điều trị phải bảo đảm các yêu cầu sau:

8.1. Vỏ bọc bóng phát tia X

Đối với vỏ bọc bóng:

- mức rò thoát bức xạ qua vỏ bọc bóng ở bất cứ hướng nào cách tiêu điểm 1 m không được vượt quá 1 mGy/h.

- mức rò thoát bức xạ cách hộp 5 cm không được vượt quá 30 mGy/h cho mọi mức điện thế hoạt động của máy.

8.2. Chụp hình nón

Khi sử dụng chụp hình nón hoặc màn chắn bổ sung phải bảo đảm chùm tia ở ngoài vùng chiếu không được vượt quá 5% chùm tia hiệu dụng.

8.3. Bộ đặt thời gian tự động

Các máy X quang điều trị phải có bộ đặt thời gian tự động để ngắt mạch và có tín hiệu báo ở cuối thời gian đặt trước. Độ sai lệch thời gian so với hằng số chuẩn không được vượt quá 2%/tháng.

8.4. Khóa an toàn

Các máy có điện thế làm việc cực đại trên 100 kV phải có khóa an toàn để tự động tắt máy trong trường hợp cửa phòng bị mở.

8.5. Thiết bị quan sát, liên lạc với bệnh nhân

Các máy X quang điều trị phải được trang bị các thiết bị quan sát, liên lạc với bệnh nhân từ bàn điều khiển.

9. Trang bị phòng hộ cá nhân

Nhân viên bức xạ làm việc với máy phát tia X chẩn đoán, điều trị phải được trang bị và phải sử dụng các phương tiện sau:

9.1. Tạp dề cao su chì

Tạp dề cao su chì phải có độ dày tương đương là 0,25 mm chì, kích thước tạp dề phải bảo đảm che chắn an toàn cho phần thân và bộ phận sinh dục khỏi các tia X.

Tấm che chắn cho bộ phận sinh dục phải có độ dày tương đương là 0,5 mm chì.

9.2. Găng tay cao su chì

Găng tay cao su chì phải có độ dày tương đương là 0,25 mm chì, che chắn an toàn cho tay và cổ tay, bảo đảm bàn tay cử động được dễ dàng.

9.3. Theo dõi liều bức xạ cá nhân

- Nhân viên bức xạ phải được trang bị đầy đủ liều kế cá nhân.

- Nhân viên bức xạ làm việc trực tiếp với các máy X quang phải đeo liều kế cá nhân và phải được theo dõi liều bức xạ nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

- Liều bức xạ cá nhân phải định kỳ đánh giá kết quả ít nhất 3 tháng một lần.

10. Kiểm định và hiệu chuẩn máy

10.1. Sau khi lắp đặt, máy X quang phải được kiểm định và hiệu chuẩn mới được đưa vào sử dụng.

10.2. Sau mỗi lần sửa chữa mà ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật của máy, máy X quang phải được kiểm định và hiệu chuẩn mới được đưa vào sử dụng.

10.3. Định kỳ hàng năm máy X quang phải được kiểm định và hiệu chuẩn một lần.

10.4. Việc kiểm định và hiệu chuẩn máy được tiến hành bởi cơ quan có thẩm quyền.

11. Bảo dưỡng, duy tu các máy X quang chẩn đoán, điều trị

Cơ sở X quang phải lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch kiểm tra và bảo đảm chất lượng máy X quang.

Định kỳ bảo dưỡng máy X quang: 3 tháng 1 lần.

Định kỳ sửa chữa duy tu: mỗi năm 1 lần, được thực hiện ngay sau khi kiểm tra định kỳ hàng năm.

 

PHỤ LỤC A

(quy định)

KÍCH THƯỚC TỐI THIỂU CHO CÁC BUỒNG LÀM VIỆC ĐỐI VỚI CÁC MÁY X QUANG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ

Các loại phòng X quang

Diện tích phòng
m2

Kích thước tối thiểu một chiều
m

- Buồng chụp cắt lớp (CT scanner)

+ Hai chiều

+ Ba chiều

 

28

40

 

4

4

- Phòng X quang chụp ảnh răng

12

3

- Phòng X quang chụp ảnh vú

18

4

- Phòng X quang tổng hợp

30

4,5

- Phòng X quang loại có bơm thuốc cản quang để chụp mạch và tim

36

5,5

- Phòng tối rửa phim tự động

7

2,5

- Phòng tối rửa phim không tự động

8

2,5

 

PHỤ LỤC B

(tham khảo)

Bảng B.1 - Liều khuyến cáo cho 1 phim chụp X quang qui ước đối với bệnh nhân

Kiểu chụp

Liều hiệu dụng
mSv

Liều xâm nhập bề mặt
mGy

Sọ

Chụp từ phía trước ra phía sau AP

Chụp từ phía sau ra phía trước PA

Chụp nghiêng                            Lat

 

0,06

 

0,04

0,03

 

5

 

5

3

Ngực

                                      PA/AP

                                      Lat

 

0,04

0,1

 

0,4

1,5

Cột sống vùng ngực

                                      AP/PA

                                      Lat

 

0,8

0,5

 

7

20

Bụng

                                      AP

 

1,5

 

10

Cột sống thắt lưng

                                      AP

                                      Lat

Đốt sống cùng               LSJ

 

1

0,7

0,5

 

10

30

40

Khung chập

                                      AP

 

1,5

 

10

Vú *

-

7

Chú thích - * Chiều dày vú ép là 45 mm.

Bảng B.2 - Liều khuyến cáo chụp, chiếu X quang qui ước cho 1 lần chụp 1 phim

Trường hợp chụp, chiếu

Liều hiệu dụng
mSv

Tích liều hấp thụ diện tích
Gy cm2

Thụt bari

Uống bari

Chụp thận tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch     UIV

10

5

6

60

25

40

Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết