cskh@atld.vn 0917267397
Hỏi & Đáp: Lương ngừng việc của người lao động được tính thế nào?

1. Trường hợp người lao động phải ngừng việc

Điều 99 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã ghi nhận 03 trường hợp người lao động phải ngừng việc gồm:

- Do lỗi của người sử dụng lao động;

- Do lỗi của người lao động;

- Do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế

Tùy thuộc vào từng trường hợp ngừng việc mà việc tính lương cho người lao động sẽ là khác nhau.

Do đó, người lao động cần xác định rõ nguyên nhân để từ đó có căn cứ để xác định tiền lương ngừng việc mà mình được hưởng.
 

2. Tiền lương ngừng việc 2021 được tính như thế nào?

Như đã đề cập, có 03 trường hợp người lao động phải ngừng việc, với mỗi trường hợp sẽ có cách tính tiền lương khác nhau. Cụ thể:

2.1 - Ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động

Khoản 1 Điều 99 BLLĐ năm 2019 chỉ rõ:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

Cùng với đó, khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương:

5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

Theo đó, nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động phải nghỉ làm nhưng vẫn sẽ được tính thời gian làm việc hưởng lương. Trong thời gian ngừng việc, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với số ngày ngừng việc.

2.2 - Ngừng việc do lỗi của người lao động

Khoản 2 Điều 99 BLLĐ năm 2019 tiếp tục quy định:

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

Từ quy định trên, người lao động phải ngừng việc do lỗi của mình thì sẽ không được trả lương.

Trong khi đó, những người lao động khác trong cùng đơn vị với người lao động đó phải ngừng việc thì được trả lương theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, mức lương được trả không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng vẫn tiếp tục áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP

3 - Ngừng việc vì sự cố điện, nước; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, di dời địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước vì lý do kinh tế

Với quy định mới tại khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên vẫn được thỏa thuận về tiền lương ngừng việc.

Tuy nhiên, giới hạn mức lương theo thỏa thuận đã có sự thay đổi. Cụ thể:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo đó, người lao động chỉ được đảm bảo tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu trong 14 ngày đầu ngừng việc hoặc ngừng việc dưới 14 ngày. Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày thì không bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động ít nhất bằng lương tối thiểu vùng.

Như vậy, tiền lương ngừng việc của người lao động trong trường hợp này có thể giảm đáng kể so với trước đây. Quy định này có ý nghĩa quan trọng nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người sử dụng lao động khi phải tạm dừng kinh doanh bởi các nguyên nhân khách quan.

Click vào phần bôi vàng để xem thay đổi chi tiết